Sau những ngày khoe sắc, thì sau tết là thời điểm để chăm sóc mai giúp mai phục hồi và ra hoa trong năm tiếp theo.
Cùng xem cách chăm sóc mai sau tết từ anh Tuấn Câu lạc bộ Mai vàng thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, hướng dẫn cách chăm sóc mai sau tết.
Mai vàng là một trong những cây cảnh được nhiều người dân Nam Bộ trồng và chưng trong những ngày Tết. Nếu như trước Tết người trồng mai tất bật chăm sóc, xử lý để cây mai đồng loạt ra hoa thì thời điểm sau Tết cũng là lúc người trồng mai tất bật với công việc chăm sóc để cây mai lấy lại sức sau khoảng thời gian bung lụa khoe sắc. Đây được xem là một trong những khâu quan trọng bởi nếu lơ là trong việc chăm sóc cây mai sau Tết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cây mai cho cả năm sau.
Cách chăm sóc mai sau khi chơi tết :
Công việc phục hồi sức cho cây mai được thực hiện càng sớm càng tốt. Nếu càng xử lý trễ thì càng ảnh hưởng đến chất lượng cây mai. “Đối với những cây nằm dưới đất thực thụ từ ngày xưa tới giờ thì ông bà cô bác mình trước giờ ít có thời gian lặt bông, lặt trái lắm tại vì nằm dưới đất thì có nguồn thức ăn và độ ẩm của phân đất nhất định rồi.
Còn khi cây mai chơi kiểng thì bắt buộc phải cắt bông cắt trái để nó ảnh hưởng qua sang năm vì bông trái càng nhiều cây càng suy và yếu sức, khó phục hồi để cho hoa nhiều vào năm sau. Cho nên chưng Tết xong thì hững bông nào còn sót lại hoặc trái thì mình lặt hết kết hợp với bấm cành, thúc cành còn cây nào hết phân thì sẵn dịp này mình thay phân, thay đất cho nó luôn để cho nó phục hồi để năm sau bông nó nhiều thêm nữa.
Theo anh Tuấn, việc bấm cành cho cây sẽ tạo ra thêm nhiều cành mới, giúp cây có thêm nhiều chồi và nụ cho đợt Tết năm sau. Bên cạnh đó, khâu bón phân cũng là yếu tố quan trọng mà người chơi mai cần lưu tâm bởi phải chọn loại phân cho phù hợp, bón nhiều phân hữu cơ, hạn chế bón phân hóa học. Người trồng mai nên thực hiện việc bón phân từ đầu đến giữa tháng 2 âm lịch khi lá đã ra đầy đủ và chỉ bón với một lượng vừa đủ, không nên bón nhiều bởi rễ cây chưa mạnh, nếu bón quá nhiều nhiều phân có thể làm cây bị chết.
Anh Tuấn (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mai vàng thành phố Sa Đéc) thực hiện việc bấm cành và cắt bông, trái cho cây mai để cây không mất sức, kích thích cây ra chồi mới |
Cũng theo anh Tuấn, cây mai đang trồng ngoài trời và cây mai chưng trong nhà đều có cách chăm sóc khác nhau. Đối với những cây mai chưng trong nhà phải di chuyển ra bên ngoài, có che mát để cây dần quen với nhiệt độ, không bị sốc nhiệt và hạn chế cháy lá. Anh Tuấn chia sẻ thêm: “Đặc biệt với những cây mai Tết chưng trong nhà khi dời ra ngoài mát xong phải đợi đến khi nào lá già mới tiến hành bấm cành và thay phân đất, chúng ta không được thay phân đất liền vì cây vừa di chuyển bộ rễ và lá chưa ổn định”.
Ngoài các khâu trên thì việc thay chậu cho cây chỉ nên thực hiện vào khoảng thời gian từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 âm lịch khi đó bộ rễ cây đã cứng cáp, cây sẽ không bị chết. Như vậy, để có được một cây mai vàng nở nhiều hoa vào đúng dịp Tết thì đòi hỏi người trồng mai phải có sự đầu tư và kỳ công trong khâu chăm sóc bởi bỏ sót bất kỳ một khâu nào thì cũng ảnh hưởng đến chất lượng ra hoa của cây trong năm sau.
Nguồn : Thanh Nghĩa- Ngọc Duy