Do vị trí đắc địa, nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu cùng hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, Sadec từ lâu đã được chọn làm đầu mối giao thương kinh tế ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ khi đặt chân đến Nam Bộ, người Pháp đã nhận ra được lợi thế địa chính trị – địa kinh tế của vùng đất này nên đã thành lập Sa Đéc là đơn vị hành chính cấp tỉnh vào ngày 1 tháng 1 năm 1900.
Tỉnh Sadec được duy trì đến năm 1956 và bị chính quyền Việt Nam Cộng hoà giải thể, trước khi được tái lập một lần nữa vào năm 1966. Đến năm 1976, Sadec được sáp nhập với tỉnh Kiến Phong để trở thành tỉnh Đồng Tháp như ngày nay.
Là một đô thị cổ, từng là nơi giao thương sầm uất của người Kinh, Hoa, Pháp, Khmer nên những dấu tích của người xưa vẫn còn hiển hiện tại Sadec cho đến ngày nay và được thể hiện rõ nhất qua các nhà cổ. Trong đó, ngôi nhà cổ nổi tiếng nhất, được nhiều người biết đến nhất là nhà của cụ Huỳnh Thuỷ Lê – nhân vật chính trong tiểu thuyết lãng mạn “Người tình” của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras.
Tuy nhiên, ngoài ngôi nhà này, dọc theo hai bên bờ sông Sadec, người ta còn có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều công trình mang lối kiến trúc xưa khác. Đó là những ngôi nhà ba gian, lợp ngói âm dương, có nhiều chi tiết chạm khắc tinh tế đặc trưng của những địa chủ, phú hộ xưa. Hoặc, đó có thể chỉ là những ngôi nhà ống, tường vàng giản dị nhưng vẫn quyến rũ một nét màu rêu phong của thời gian.
Nhà cổ ở Sadec không tập trung thành khu phố như ở Hội An, bị chia cắt bởi những công trình hiện đại và nhiều ngôi nhà bị “trùng tu” không theo nguyên trạng, nên sự ấn tượng có phần vơi đi ít nhiều. Tuy nhiên, những kiến trúc cổ kính, có tuổi đời ngót nghét trăm năm ẩn hiện hai bên bờ Sa Giang ấy vẫn là những nét điểm xuyết tinh tế, nhắc nhớ về một đô thị sầm uất xưa, đủ khiến một người con Sadec như mình cảm thấy tự hào mỗi khi nhớ về.
Cùng xem bộ ảnh Sa Dec – Ancient House của nhiếp ảnh Liêu Lãm: fb.com/lieulam25